Mở rộng ngành, nghề được hưởng ưu đãi
Theo dự thảo, doanh nghiệp sẽ được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp khi hoạt động trong các ngành, nghề hoặc địa bàn thuộc danh mục ưu đãi được quy định tại Nghị định. Mức ưu đãi cụ thể được thực hiện theo Điều 17 và Điều 18 của dự thảo.
Trường hợp có sự khác biệt giữa quy định tại Nghị định này với các Nghị định khác của Chính phủ thì áp dụng theo quy định của Nghị định này, trừ các trường hợp liên quan đến Luật Thủ đô hoặc các nghị quyết của Quốc hội về cơ chế đặc thù.
Danh mục ngành, nghề được ưu đãi bao gồm nhiều lĩnh vực then chốt như ứng dụng công nghệ cao, đầu tư mạo hiểm cho phát triển công nghệ cao, sản xuất phần mềm, an toàn thông tin mạng, công nghệ số trọng điểm, sản xuất chip bán dẫn, thiết bị điện tử, xây dựng trung tâm dữ liệu trí tuệ nhân tạo, sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cho công nghệ cao, sản phẩm phục vụ các ngành dệt may, da giày, điện tử, cơ khí chế tạo, sản phẩm đạt tiêu chuẩn kỹ thuật châu Âu.
Ngoài ra, các lĩnh vực sản xuất năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, vật liệu xây dựng nhẹ, vật liệu composit, công nghiệp quốc phòng và an ninh, sản phẩm cơ khí trọng điểm, đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng trọng yếu như nhà máy nước, điện, giao thông, cảng, sân bay… cũng thuộc diện được ưu đãi.

Về địa bàn, dự thảo phân loại các khu vực được hưởng ưu đãi theo 3 nhóm: địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn; địa bàn khó khăn; và các khu kinh tế, khu công nghệ cao, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, khu công nghệ số tập trung.
Cụ thể hóa các mức thuế suất
Mức thuế suất ưu đãi được áp dụng tùy theo đối tượng và địa bàn. Cụ thể như sau:
- Đối với dự án đầu tư mới thuộc lĩnh vực ưu đãi, hoặc tại địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn, khu công nghệ cao, khu công nghệ số, khu kinh tế thuộc diện ưu đãi: áp dụng mức thuế suất 10% trong 15 năm.
- Đối với thu nhập từ các hoạt động trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp; giáo dục; y tế; xuất bản; báo chí…: áp dụng mức thuế suất 10% trong toàn bộ thời gian hoạt động, tùy theo địa bàn.
- Đối với thu nhập từ hoạt động chế biến nông, thủy sản tại khu vực không thuộc địa bàn ưu đãi: áp dụng mức thuế suất 15%.
- Đối với dự án đầu tư mới trong lĩnh vực sản xuất thiết bị nông nghiệp, tiết kiệm năng lượng, khu hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; hoặc tại địa bàn khó khăn, khu kinh tế không thuộc diện ưu đãi: áp dụng mức thuế suất 17% trong 10 năm.
Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ có thể quyết định kéo dài thời gian áp dụng và giảm sâu thuế suất ưu đãi trong các trường hợp đặc biệt. Các trường hợp này bao gồm dự án quy mô lớn (trên 6.000 tỷ đồng), có tác động lớn về kinh tế – xã hội, dự án đạt doanh thu cao, sử dụng nhiều lao động…
Thời điểm bắt đầu tính ưu đãi thuế được xác định từ năm đầu tiên doanh nghiệp có doanh thu từ dự án đầu tư mới. Trường hợp doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận ưu đãi hoặc xác nhận sau thời điểm phát sinh doanh thu, thì thời gian ưu đãi được tính từ năm cấp giấy chứng nhận. Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, những đề xuất trên không chỉ góp phần định hướng dòng vốn đầu tư vào các lĩnh vực ưu tiên và địa bàn còn khó khăn, mà còn tạo động lực thúc đẩy đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển kinh tế bền vững. Bên cạnh đó, việc hoàn thiện chính sách cũng nhằm đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật thuế hiện hành, góp phần tạo lập môi trường đầu tư minh bạch, ổn định và phù hợp với bối cảnh phát triển mới của đất nước.