Trong khi động lực xuất khẩu gặp khó, động lực tiêu dùng chưa phục hồi như kỳ vọng, cần thúc đẩy động lực đầu tư. Không chỉ với đầu tư công, giờ là lúc cần khơi thông mọi nguồn lực để thúc đẩy tăng trưởng.

- Khơi thông nguồn lực cho tăng trưởng
Chỉ ít ngày sau khi Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 751/QĐ-TTg, ngày 11/4/2025 thành lập Ban Chỉ đạo về giải quyết các vấn đề khó khăn, vướng mắc các dự án tồn đọng (Ban Chỉ đạo 751), Ban Chỉ đạo 751 đã có phiên họp đầu tiên. Những dự án đầu tiên được tháo gỡ là các dự án năng lượng tái tạo.
“Thúc đẩy giải ngân đầu tư công, đặc biệt là tháo gỡ cho các dự án năng lượng, sẽ tạo động lực then chốt giúp nền kinh tế bứt tốc”, Phó thủ tướng Nguyễn Hòa Bình, Trưởng ban Chỉ đạo 751 nhấn mạnh.
Để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án tồn đọng, Chính phủ đã thành lập các ban chỉ đạo, trong đó có Ban Chỉ đạo 1568. Giờ đây, tất cả được quy về một mối. Ban Chỉ đạo 751 sẽ giúp Chính phủ, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan các dự án tồn đọng, kéo dài, bao gồm cả các dự án sử dụng nguồn vốn đầu tư công, nguồn vốn đầu tư tư nhân trong nước, nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và các nguồn vốn khác (nếu có). Nghĩa là, các dự án tồn đọng, bất kể nguồn vốn đến từ đâu, sẽ được Ban Chỉ đạo 751 tháo gỡ, nhằm khơi thông nguồn lực cho nền kinh tế. Các dự án đầu tiên được Ban Chỉ đạo họp bàn để tháo gỡ chính là các dự án năng lượng tái tạo. Đây là một lĩnh vực then chốt, nhưng có nhiều dự án đang bị mắc kẹt bởi các thủ tục pháp lý về đất đai, chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng, quy hoạch, giá điện ưu đãi (FIT)…
“Các dự án điện năng lượng tái tạo nếu tiếp tục bị chậm trễ sẽ không chỉ gây lãng phí nguồn lực xã hội, mà còn làm suy giảm niềm tin của nhà đầu tư trong và ngoài nước đối với môi trường đầu tư của Việt Nam”, Phó thủ tướng Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh.
Không chỉ riêng các dự án năng lượng tái tạo, mà các dự án trong các lĩnh vực khác, như đầu tư công, đầu tư tư nhân, đầu tư nước ngoài (FDI), nếu bị chậm trễ đều gây lãng phí nguồn lực, ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế. Chính vì thế, khơi thông nguồn lực đầu tư của các dự án sẽ hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng.
Một báo cáo được Bộ Tài chính, cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo 1568 cho biết, tính đến ngày 25/3/2025, tổng hợp từ các bộ, ngành, địa phương có báo cáo, có 1.533 dự án, trong đó có 338 dự án đầu tư công, 1.126 dự án đầu tư ngoài ngân sách và 69 dự án đối tác công – tư (PPP) đang gặp khó khăn, vướng mắc.
Chưa có các con số liên quan các dự án FDI, nhưng con số cũng sẽ không nhỏ. Chỉ riêng các dự án năng lượng tái tạo, một phần không nhỏ do các nhà đầu tư nước ngoài triển khai.
Thông tin cho biết, trong số 50 dự án năng lượng tái tạo được các doanh nghiệp trong và ngoài nước kiến nghị gỡ khó, khoảng 30% là dự án của các nhà đầu tư đến từ Pháp, Tây Ban Nha, Thụy Sỹ, Ấn Độ, Nhật Bản, Thái Lan, Trung Quốc… Tổng vốn đầu tư của các dự án này lên tới hàng tỷ USD…
Để gỡ khó thành công, công tác rà soát, phối hợp tháo gỡ khó khăn là quan trọng nhất. Tuy nhiên, một số địa phương chưa thực hiện hết trách nhiệm, còn hiện tượng “đá bóng lên, đá bóng xuống”, như lời của Phó thủ tướng Nguyễn Hòa Bình.
Ban Chỉ đạo 751, sau cuộc họp gỡ khó cho các dự án năng lượng tái tạo, cũng đã họp bàn để tổng hợp, rà soát, phân loại thẩm quyền xử lý các dự án; xây dựng quan điểm, nguyên tắc, giải pháp dự kiến để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các dự án; kiến nghị các cơ chế xử lý vướng mắc đối với các dự án…
- Thúc giải ngân để thúc tăng trưởng
Cùng với việc gỡ khó cho các dự án tồn đọng, để thúc đẩy tăng trưởng, việc quan trọng là phải thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công. Tuy vậy, kết quả sau 3 tháng đầu năm chưa đạt như kỳ vọng.

Theo báo cáo của Bộ tài chính, giải ngân vốn đầu tư công đến hết tháng 3/2025 mới đạt gần 78.712 tỷ đồng, bằng 9,53% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn khá nhiều so với con số của cùng kỳ năm 2024 (12,27%).
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, có nhiều nguyên nhân dẫn tới sự chậm trễ này, như những vướng mắc liên quan chính sách bồi thường giải phóng mặt bằng, nguyên vật liệu, khó khăn liên quan nguồn thu ngân sách địa phương, ảnh hưởng của việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy…
Hiện nay, thông tin cho biết, để sử dụng hiệu quả kinh phí nhà nước, tránh lãng phí, phù hợp với nhu cầu các đơn vị sau sắp xếp, tinh gọn bộ máy, một số đơn vị đã phải tạm dừng khởi công mới năm 2025 đối với các dự án đầu tư xây dựng sử dụng nguồn vốn đầu tư công (bao gồm cả các dự án có vốn địa phương hỗ trợ) cho đến khi có quyết định về phương án tổ chức, sắp xếp bộ máy. Do vậy, tiến độ giải ngân cũng chậm hơn. Thêm nữa, một số dự án đang trong quá trình chuẩn bị đầu tư phải điều chỉnh do thực hiện đề án tiếp tục sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy dẫn đến chưa đủ điều kiện phân bổ vốn…
Liên quan vấn đề này, khi phát biểu tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương mới đây, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng đã nhấn mạnh việc một số bộ, ngành, địa phương chưa chủ động, quyết liệt, có tâm lý đùn đẩy, né tránh các công việc liên quan đến thực hiện dự án, giải ngân vốn đầu tư công trong quá trình sắp xếp tổ chức bộ máy.
Theo Bộ trưởng, trong giai đoạn sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, các bộ, ngành và địa phương phải quyết liệt chỉ đạo, tổ chức triển khai, bảo đảm không để xảy ra tình trạng “đứt gãy, gián đoạn” trong việc triển khai thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công nói chung, đặc biệt dự án quan trọng quốc gia, dự án đường cao tốc, dự án giao thông trọng điểm.