Chính phủ ban hành Nghị định 17/2025/NĐ-CP ngày 06/02/2025 sửa đổi các Nghị định hướng dẫn Luật Đấu thầu 2023. Theo đó, khoản 9 Điều 2 Nghị định 17/2025/NĐ-CP đã sửa đổi, bổ sung một số điểm, khoản của Điều 30 Nghị định 24/2024/NĐ-CP về kiểm tra và đánh giá hồ sơ dự thầu với phương thức một giai đoạn một túi hồ sơ như sau:

1. Sửa đổi, bổ sung điểm b khoản 4 Điều 30 Nghị định 24/2024/NĐ-CP
▶️ Nhà thầu đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật được xem xét đánh giá về tài chính theo phương pháp giá thấp nhất hoặc giá đánh giá. Nhà thầu có giá dự thầu sau sửa lỗi, hiệu chỉnh sai lệch (nếu có) trừ đi giá trị giảm giá (nếu có) và xác định ưu đãi (nếu có) thấp nhất (đối với phương pháp giá thấp nhất) hoặc có giá đánh giá thấp nhất (đối với phương pháp giá đánh giá) được xếp hạng thứ nhất.
▶️ Thư giảm giá không được công khai trong biên bản mở thầu sẽ không được xem xét, đánh giá.
Trường hợp chỉ có một nhà thầu đạt yêu cầu về kỹ thuật thì không phải xác định danh sách xếp hạng nhà thầu. Chủ đầu tư không phải phê duyệt danh sách xếp hạng nhà thầu.
⏺️ Như vậy, so với quy định cũ, quy định mới đã bổ sung yếu tố ưu đãi (nếu có) khi đánh giá về mặt tài chính.

2. Sửa đổi, bổ sung khoản 5 và khoản 6 Điều 30 của Nghị định 24/2024/NĐ-CP
Khoản 5 Điều 30 Nghị định 24/2024/NĐ-CP
▶️ Tổ chuyên gia lập báo cáo đánh giá hồ sơ dự thầu gửi bên mời thầu xem xét. Báo cáo đánh giá hồ sơ dự thầu gồm các nội dung:
• Kết quả đánh giá đối với từng hồ sơ dự thầu;
• Danh sách nhà thầu được xem xét, xếp hạng và thứ tự xếp hạng;
• Danh sách nhà thầu không đáp ứng yêu cầu và bị loại, lý do loại nhà thầu;
• Nhận xét về tính cạnh tranh, công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế trong quá trình tổ chức lựa chọn nhà thầu. Trường hợp chưa bảo đảm cạnh tranh, công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế, phải nêu rõ lý do và đề xuất biện pháp xử lý;
• Những nội dung của hồ sơ mời thầu không phù hợp với quy định của pháp luật về đấu thầu hoặc nội dung có thể dẫn đến cách hiểu không rõ hoặc khác nhau trong quá trình thực hiện hoặc có thể làm sai lệch kết quả lựa chọn nhà thầu (nếu có); đề xuất biện pháp xử lý.
⏺️ Đối với gói thầu mua sắm hàng hóa, xây lắp, cung cấp dịch vụ phi tư vấn áp dụng đấu thầu quốc tế, gói thầu hỗn hợp và gói thầu áp dụng đấu thầu hạn chế quy định tại khoản 1 Điều 22 Luật Đấu thầu 2023, trường hợp áp dụng thương thảo hợp đồng, bên mời thầu mời nhà thầu xếp hạng thứ nhất thương thảo hợp đồng theo quy định tại Điều 43 Nghị định 24/2024/NĐ-CP (sửa đổi tại khoản 12 Điều 2 Nghị định 17/2025/NĐ-CP).
Khoản 6 Điều 30 Nghị định 24/2024/NĐ-CP
▶️ Trên cơ sở báo cáo kết quả đánh giá hồ sơ dự thầu, kết quả thương thảo hợp đồng (nếu có), bên mời thầu lập tờ trình đề nghị phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu gửi chủ đầu tư phê duyệt theo quy định tại Điều 31 Nghị định 24/2024/NĐ-CP. Tờ trình đề nghị phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu bao gồm các nội dung sau đây:
• Kết quả đánh giá đối với từng hồ sơ dự thầu;
• Danh sách nhà thầu được xem xét, xếp hạng và thứ tự xếp hạng nhà thầu;
• Kết quả thương thảo hợp đồng (nếu có);
• Danh sách nhà thầu không đáp ứng yêu cầu và bị loại; lý do loại bỏ nhà thầu;
• Tên nhà thầu được đề nghị trúng thầu, giá đề nghị trúng thầu, loại hợp đồng, thời gian thực hiện gói thầu và thời gian thực hiện hợp đồng;
• Nhận xét về tính cạnh tranh, công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế trong quá trình tổ chức lựa chọn nhà thầu. Trường hợp chưa bảo đảm cạnh tranh, công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế, phải nêu rõ lý do và đề xuất biện pháp xử lý;
• Những nội dung của hồ sơ mời thầu chưa phù hợp với quy định của pháp luật về đấu thầu dẫn đến có cách hiểu không rõ hoặc khác nhau trong quá trình thực hiện hoặc có thể dẫn đến làm sai lệch kết quả lựa chọn nhà thầu (nếu có) và đề xuất biện pháp xử lý;
• Những nội dung cần lưu ý (nếu có).
▶️ So với quy định cũ, quy định mới đã lược bỏ yêu cầu trình chủ đầu tư phê duyệt danh sách xếp hạng nhà thầu khi chỉ có một nhà thầu đáp ứng yêu cầu kỹ thuật. Điều này giúp đơn giản hóa thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian xét duyệt. Ngoài ra, bổ sung nội dung về thương thảo hợp đồng đối với các gói thầu đặc thù như đấu thầu quốc tế, đấu thầu hạn chế và gói thầu hỗn hợp. Đây là điểm mới quan trọng, giúp tối ưu hóa điều kiện hợp đồng trước khi phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu, giảm thiểu rủi ro và tăng tính linh hoạt trong quá trình đấu thầu.
⏺️ Trong nội dung tờ trình đề nghị phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu, quy định mới yêu cầu bổ sung kết quả thương thảo hợp đồng (nếu có). Điều này thể hiện sự chặt chẽ hơn trong quy trình đánh giá, đảm bảo hợp đồng được ký kết trên cơ sở các điều kiện tốt nhất cho chủ đầu tư và nhà thầu. Đồng thời quy định mới cũng nêu rõ các nội dung cần có trong tờ trình đề nghị phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu.