Nhiều giải pháp thúc đẩy kinh tế tư nhân vào xây dựng, phát triển hạ tầng và cung cấp dịch vụ công

admindavilaw
20/06/2025
0

Trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn sáng 19/6, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết, Bộ đã và đang có nhiều giải pháp thúc đẩy và phát triển kinh tế tư nhân vào xây dựng, phát triển hạ tầng và cung cấp dịch vụ công như: cắt giảm thủ tục đầu tư, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp được tham gia đa dạng hóa các lĩnh vực, hình thức hợp tác đầu tư công…

Toàn cảnh phiên chất vấn và trả lời chất vấn thuộc nhóm lĩnh vực tài chính
Toàn cảnh phiên chất vấn và trả lời chất vấn thuộc nhóm lĩnh vực tài chính

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thức 9, sáng 19/6, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn với nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực tài chính. Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng trả lời chất vấn.

Nội dung chất vấn tập trung vào: giải pháp về công tác tài chính cho phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm mục tiêu tăng trưởng, làm mới động lực tăng trưởng truyền thống, xác lập, thúc đẩy động lực tăng trưởng mới; giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước, giải pháp hỗ trợ, thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân thành động lực quan trọng nhất của nền kinh tế, giải pháp đẩy mạnh thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và cơ chế, chính sách thúc đẩy, thu hút đầu tư, phát triển các khu công nghiệp, khu kinh tế…

Tại phiên chất vấn, đại biểu Đào Chí Nghĩa – Đoàn ĐBQH TP. Cần Thơ nhấn mạnh, hiện nay Đảng và Nhà nước đang có nhiều chủ trương tạo điều kiện thúc đẩy và phát triển kinh tế tư nhân, đặc biệt là khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia vào các dự án lớn của đất nước. Đại biểu mong muốn Bộ trưởng Bộ Tài chính đưa ra những giải pháp cụ thể để tham mưu với Chính phủ khuyến khích kinh tế tư nhân tham gia vào các dự án phát triển hạ tầng và dịch vụ công trong thời gian tới.

Chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính, đại biểu Âu Thị Mai – Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang đề nghị Bộ trưởng cho biết Chính phủ có dự kiến chính sách để hỗ trợ thu hút doanh nghiệp đầu tư ở vùng miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Đại biểu Dương Tấn Quân – Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho rằng, hiện nay, cơ chế quản trị doanh nghiệp nhà nước chậm được đổi mới, kém hiệu quả, chưa phù hợp với các thông lệ, chuẩn mực quốc tế, tính công khai, minh bạch còn hạn chế. Vì thế, đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết những giải pháp về việc đổi mới công tác quản trị doanh nghiệp Nhà nước phù hợp với thông lệ và chuẩn mực quốc tế.

Tạo điều kiện thu hút doanh nghiệp tham gia vào các dự án PPP trong lĩnh vực khoa học, công nghệ

Trả lời câu hỏi của đại biểu về thúc đẩy và phát triển kinh tế tư nhân vào xây dựng, phát triển hạ tầng và cung cấp dịch vụ công, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết, Bộ đã tham mưu với Chính phủ để tiếp tục trình Quốc hội sửa đổi các quy định của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư. Trong dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 8 Luật, Bộ Tài chính đã tham mưu với Chính phủ để rút ngắn tối đa thời gian lập, thẩm định dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), cắt giảm thủ tục và chủ trương đầu tư đối với một số nhóm dự án.

Bên cạnh đó là trao quyền chủ động cho cơ quan có thẩm quyền để quyết định việc thành lập và không thành lập Hội đồng thẩm định nhằm giảm thời gian trong các thủ tục để triển khai, thu hút các dự án PPP. Ngoài ra, mở rộng các trường hợp chỉ định thầu, lựa chọn đặc biệt để đáp ứng yêu cầu đặc thù; triển khai các dự án trọng điểm, cấp bách. Đặc biệt, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư được tham gia đa dạng hóa các lĩnh vực, hình thức hợp tác đầu tư công để các doanh nghiệp có nhiều sự lựa chọn, phát huy các mô hình như là đầu tư tư sử dụng công; đầu tư công quản trị tư; lãnh đạo công quản trị tư.

Trong lĩnh vực khoa học, công nghệ, Bộ Tài chính cũng đã và đang xây dựng nghị định về PPP trong lĩnh vực khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Dự kiến, Bộ Tài chính sẽ trình Chính phủ ban hành nghị định trong tháng 6 này. Nghị định dự kiến có nhiều điểm mới nhằm tạo điều kiện để thu hút các doanh nghiệp tham gia vào các dự án PPP trong lĩnh vực khoa học, công nghệ. Song song với đó, Bộ Tài chính cũng tích cực tháo gỡ những khó khăn trong các dự án PPP giữa Nhà nước và doanh nghiệp.

Lồng ghép nhiều chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp tại các địa bàn khó khăn

Đối với các chính sách ưu tiên cho nhóm doanh nghiệp yếu thế, vùng khó khăn, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng khẳng định, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm đến thúc đẩy phát triển các doanh nghiệp ở khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn; doanh nghiệp do đồng bào dân tộc thiểu số, phụ nữ, người khuyết tật làm chủ để đạt được mục tiêu vừa phát triển kinh tế-xã hội, vừa giải quyết các vấn đề xã hội và môi trường.

Bộ Tài chính đã chủ động lồng ghép nhiều chính sách ưu đãi cho đối tượng doanh nghiệp tại các địa bàn khó khăn; nhóm doanh nghiệp là người yếu thế làm chủ. Cụ thể là Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp có các chính sách ưu đãi miễn, giảm thuế cho đối tượng doanh nghiệp ở khu vực miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, địa bàn khó khăn. Còn trong Luật Đầu tư có chính sách ưu đãi cho dự án triển khai ở các địa bàn khó khăn và đặc biệt khó khăn. Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Luật Hợp tác xã, Luật Đấu thầu cũng có những chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp, hợp tác xã miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa do phụ nữ làm chủ làm chủ, sử dụng người lao động khuyết tật, người đồng bào dân tộc thiểu số.

Mới đây, Bộ Tài chính cũng đã tham mưu để đưa vào Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 198 của Quốc hội chính sách ưu tiên nhóm doanh nghiệp trên tiếp cận và sử dụng các sản phẩm tài chính, đặc biệt là dành riêng gói thầu từ 20 tỷ đồng trở xuống cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong đó ưu tiên doanh nghiệp ở vùng khó khăn và nhóm yếu thế. Thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục tập trung vào ba giải pháp:

Thứ nhất, tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp tại địa bàn khó khăn và nhóm yếu thế.

Thứ hai, đẩy mạnh triển khai các chương trình hỗ trợ khởi nghiệp, đào tạo, tư vấn phát triển thị trường cho các doanh nghiệp ở vùng khó khăn và nhóm yếu thế.

Thứ ba, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương, tổ chức đoàn thể, hiệp hội doanh nghiệp để có thể đưa các chính sách đến tận cơ sở, đúng đối tượng, đúng nhu cầu và đúng thời điểm.

Tận dụng tiến bộ khoa học công nghệ, đổi mới quản trị

Đề cập về các giải pháp đổi mới công tác quản trị doanh nghiệp Nhà nước để phù hợp với các chuẩn mực quốc tế, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết, mặc dù trong nhiều năm vừa qua, doanh nghiệp Nhà nước có nhiều sự thay đổi nên đã có nhiều tiến bộ, thay đổi trong quản trị, điều hành và từng bước tiếp cận với thông lệ quốc tế. Tuy nhiên, vẫn còn có những doanh nghiệp Nhà nước chưa áp dụng triệt để các nguyên tắc quản trị doanh nghiệp theo thông lệ quốc tế xuất phát từ nhiều lý do.

Chính vì thế, vừa qua, Bộ Tài chính tham mưu với Chính phủ, Quốc hội điều chỉnh sửa Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp. Theo đó, trong Luật quy định sự thống nhất trong nhận thức trong doanh nghiệp Nhà nước trong mối liên quan giữa chủ sở hữu, các cổ đông, nhà đầu tư, người lao động, khách hàng, nhà cung cấp và cộng đồng xã hội. Bên cạnh đó là phải nâng cao trách nhiệm, tính chuyên nghiệp, năng động và hiệu quả trong thực hiện các chức năng của những người đại diện vốn chủ sở hữu tại doanh nghiệp rồi. Nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm, hoạt động, hiệu quả của Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên, chủ tịch công ty của doanh nghiệp Nhà nước; minh bạch, công khai thông tin.

Đặc biệt, phải mở rộng hợp tác quốc tế và tận dụng những tiến bộ về khoa học công nghệ, đổi mới trong quản trị, chuyển đổi số và quản trị điều hành của doanh nghiệp. Gắn với đó là đổi mới công tác tuyển dụng, đào tạo để cán bộ có đủ trình độ vận dụng và và triển khai được những kinh nghiệm, kỹ năng trong quản trị doanh nghiệp.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *