Sửa Luật Đấu thầu: Tăng quyền tự chủ, phân cấp, phân quyền triệt để

admindavilaw
20/05/2025
0

Cuối tuần qua, Chính phủ báo cáo Quốc hội về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu thầu; Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư; Luật Hải quan; Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; Luật Đầu tư; Luật Đầu tư công; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.

Việc trao quyền quyết định trong lựa chọn nhà thầu sẽ góp phần tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp nhà nước, phù hợp với quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp. Ảnh minh họa
Việc trao quyền quyết định trong lựa chọn nhà thầu sẽ góp phần tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp nhà nước, phù hợp với quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp. Ảnh minh họa

Góp ý về nội dung sửa đổi của Luật Đấu thầu, nhiều đại biểu Quốc hội đánh giá cao về những quy định mở, tăng quyền tự chủ, tự quyết cho chủ đầu tư. Đồng thời, nhiều ý kiến đề nghị cần chú trọng cơ chế hậu kiểm, giám sát để bảo đảm hiệu quả sử dụng vốn nhà nước, tránh thất thoát, lãng phí.

Sửa Luật: Đề cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm

Trình bày Tờ trình của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết, Chính phủ đề xuất sửa đổi quy định về phạm vi áp dụng của Luật Đấu thầu theo hướng hoạt động lựa chọn nhà thầu của doanh nghiệp nhà nước (không phân biệt nguồn vốn sử dụng) và việc lựa chọn nhà thầu của đơn vị sự nghiệp công lập nhóm 1, nhóm 2 không sử dụng ngân sách nhà nước thì doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập được tự quyết định việc lựa chọn nhà thầu theo nguyên tắc công khai, minh bạch, hiệu quả và trách nhiệm giải trình.

Số liệu từ Tờ trình của Chính phủ cho thấy, đến hết năm 2023, Việt Nam có khoảng 680 doanh nghiệp nhà nước. Theo số liệu năm 2024 được tổng hợp trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia, có 17.542 gói thầu với tổng giá trị là 96.218 tỷ đồng của doanh nghiệp nhà nước thuộc đối tượng áp dụng Luật Đấu thầu. Một trong những mục tiêu của việc sửa đổi Luật Đấu thầu là nhằm nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động của doanh nghiệp nhà nước, đề cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm, tách bạch chức năng chủ sở hữu, quản lý và chức năng quản trị kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước, đồng thời phù hợp với quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, hiện nay, có khoảng 47 nghìn đơn vị sự nghiệp công lập. Việc sửa Luật sẽ góp phần tháo gỡ vướng mắc, tạo cơ chế chủ động trong hoạt động đấu thầu của khoảng 450 đơn vị thuộc nhóm 1 (tương đương 0,95% tổng số đơn vị sự nghiệp công lập) và khoảng 3.366 đơn vị thuộc nhóm 2 (tương đương 7,2% tổng số đơn vị sự nghiệp công lập). Từ đó, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ tài chính, đồng thời thúc đẩy các đơn vị sự nghiệp công chưa tự chủ khẩn trương chuyển đổi cơ chế tự chủ… Đặc biệt, việc cho phép các đơn vị sự nghiệp trong lĩnh vực y tế được tự quyết định việc mua sắm sử dụng nguồn thu hợp pháp của mình sẽ giúp cho người dân được tiếp cận với thuốc tốt, vật tư, thiết bị y tế hiện đại, công nghệ cao.

Bên cạnh quy định rất cởi mở trên, Dự thảo Luật bổ sung nguyên tắc cho phép chủ đầu tư, người có thẩm quyền căn cứ quy mô, tính chất, điều kiện thực tế của gói thầu để lựa chọn áp dụng các hình thức lựa chọn nhà thầu phù hợp (đấu thầu, chỉ định thầu hoặc các hình thức khác theo quy định của luật) trên cơ sở bảo đảm chất lượng, tiến độ, hiệu quả và trách nhiệm giải trình; mở rộng hình thức chỉ định thầu, lựa chọn nhà thầu và nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt… Theo Tờ trình của Chính phủ, việc trao quyền nhằm thực hiện chủ trương phân cấp, phân quyền triệt để trong hoạt động đấu thầu, nâng cao vai trò, trách nhiệm của chủ đầu tư, người có thẩm quyền, góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án đầu tư… Quy định này bảo đảm không làm thay đổi bản chất, nguyên tắc của Luật Đấu thầu vì khi quyết định áp dụng một hình thức lựa chọn nhà thầu cụ thể tại Luật Đấu thầu, chủ đầu tư phải bảo đảm tuân thủ điều kiện, nguyên tắc, trình tự, thủ tục áp dụng đối với từng hình thức lựa chọn nhà thầu đã được quy định tại Luật này. Đồng thời, Dự thảo Luật quy định cơ chế kiểm soát, giám sát chặt chẽ để bảo đảm lựa chọn được nhà thầu đáp ứng năng lực, kinh nghiệm thực hiện gói thầu có hiệu quả, chất lượng, theo đúng tiến độ, tránh lạm dụng chính sách để trục lợi…

Việc cho phép các đơn vị sự nghiệp trong lĩnh vực y tế tự quyết định việc mua sắm sử dụng nguồn thu hợp pháp của mình sẽ giúp người dân được tiếp cận với thuốc tốt, vật tư, thiết bị y tế hiện đại, công nghệ cao. Ảnh minh họa
Việc cho phép các đơn vị sự nghiệp trong lĩnh vực y tế tự quyết định việc mua sắm sử dụng nguồn thu hợp pháp của mình sẽ giúp người dân được tiếp cận với thuốc tốt, vật tư, thiết bị y tế hiện đại, công nghệ cao. Ảnh minh họa

Đề xuất tăng giám sát, hậu kiểm hoạt động thầu

Thảo luận tại tổ, đại biểu Bùi Hoài Sơn (Hà Nội) cho rằng, việc sửa đổi quy định về đơn vị sự nghiệp công lập là một nội dung quan trọng, đã tháo gỡ nút thắt kéo dài nhiều năm đối với các đơn vị sự nghiệp công lập. Nội dung sửa đổi rất phù hợp với tinh thần đổi mới cơ chế tài chính, đẩy mạnh quyền tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công, nhưng cần được cụ thể hóa bằng các văn bản hướng dẫn đồng bộ để tạo thuận lợi khi triển khai thực hiện.

Từ thực tiễn quan sát nhiều dự án, gói thầu tại Hà Nội, đại biểu Trần Sỹ Thanh (Hà Nội) cho rằng, Luật Đấu thầu cần được sửa với tư duy cởi mở, thông thoáng hơn, làm sao thông qua đấu thầu mua được sản phẩm theo đúng ý định. Đại biểu Trần Anh Tuấn (TP.HCM) ủng hộ việc sửa đổi Luật Đấu thầu với những quy định mở hơn đối với các dự án khuyến khích phát triển như đầu tư về chuyển đổi số, công nghiệp công nghệ cao…

Một số ý kiến bày tỏ sự lo ngại về nguy cơ lạm dụng hoặc thiếu minh bạch trong quá trình áp dụng các quy định rất mở tại Dự thảo Luật. Do đó, cơ quan soạn thảo cần cân nhắc bổ sung các quy định về cơ chế giám sát, kiểm tra đối với các hoạt động tự quyết định mua sắm và nếu được, đề nghị phải có báo cáo định kỳ đối với vấn đề này.

Đại biểu Vũ Tuấn Anh, Ủy viên Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội đồng tình với nội dung sửa đổi về hoạt động lựa chọn nhà thầu của doanh nghiệp nhà nước. Tuy nhiên, ông Tuấn Anh cho rằng, phải cân nhắc, xây dựng những quy định, những chế tài để bảo đảm gắn trách nhiệm của người đại diện chủ sở hữu vốn, tránh tình trạng khi được giao nguồn lực rất lớn, nếu bỏ qua quy định bắt buộc trong đấu thầu sẽ dễ dẫn đến thất thoát, lãng phí. Đối với đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ nhóm 1 và nhóm 2, quy định như tại Dự Luật là phù hợp, không can thiệp quá sâu vào hoạt động tự chủ của các đơn vị, nhưng phải có những cơ chế bảo đảm quản lý đồng tiền hiệu quả, tiết kiệm, minh bạch.

Đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân (Bình Dương), cho rằng, các quy định được sửa đổi theo hướng trao quyền rộng hơn cho nhà đầu tư và người có thẩm quyền, vậy nên những tiêu chí định hướng kiểm soát về sau phải càng chặt chẽ hơn để sử dụng ngân sách cho hiệu quả, đúng mục tiêu đề ra.

Làm rõ thêm một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm tại Tổ, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết, thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị, Tổng Bí thư, Thủ tướng và Chính phủ về phân cấp, phân quyền, Dự thảo sửa 7 luật lần này tập trung rất nhiều vào việc phân cấp, phân quyền, tập trung cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, để làm sao tạo sự thông thoáng và theo đúng quan điểm địa phương quyết, địa phương làm và địa phương chịu trách nhiệm.

Về Luật Đấu thầu, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng chia sẻ, quy định về đối tượng áp dụng Luật với doanh nghiệp nhà nước rất mở và đột phá, để doanh nghiệp nhà nước được quyền chủ động. Các bộ, ngành khi công việc đã phân cấp thì tăng cường giám sát, hậu kiểm. Về cho phép trao quyền tự chủ cho chủ đầu tư, người có thẩm quyết định hình thức lựa chọn nhà thầu, Bộ trưởng nhấn mạnh, việc chọn chỉ định thầu hay đấu thầu, vấn đề quan trọng ở chỗ chúng ta có khách quan, có minh bạch và có vì lợi ích chung hay không? Quan điểm là tiền đã giao cho địa phương, bộ, ngành thì để cho những người được giao vốn quyết định việc lựa chọn theo quy định của pháp luật về đấu thầu, bảo đảm công khai, minh bạch, chất lượng, hiệu quả, tiết kiệm cho Nhà nước.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *